Kinh tế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu năm 2016 có nhiều triển vọng
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là nền tảng thương mại của thế kỷ 21, được 12 nước, trong đó có Việt Nam, đã ký kết vào ngày 4/2/2016 sau 05 năm đàm phán ròng rã. Tiếp đó là Hiệp định thương mại tự do ASEAN- Australia- New Zealand, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam– EU, Hiệp định thương mại tư do Việt Nam- Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan, dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm nay sau khi được quốc hội các nước phê chuẩn.
Theo đánh giá của Chính phủ, trong số các nước thành viên tham gia các hiệp định nói trên, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng cao trong lĩnh vực thương mại, thu hút đầu tư và xuất khẩu khi các hiệp định có hiệu lực. Trong đó, lĩnh vực dệt may, giày dép và các sản phẩm nông lâm thuỷ sản có thể tăng trưởng mạnh nhờ cơ hội mở rộng thị phần ở các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Nhật Bản… và thuế nhập khẩu được đưa về mức 0%.
BR-VT là tỉnh thu hút vốn đầu tư FDI đứng thứ 3 cả nước, có kim ngạch xuất khẩu, giá trị thương mại dịch vụ thuộc top đầu, nên đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khai thác các lợi thế để phát triển. Từ góc độ quản lý nhà nước, Sở Công thương đã triển khai 04 giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Khi xuất nhập khẩu tăng cao, ngành được hưởng lợi nhiều là cảng biển và logistic, ngành kinh tế được tỉnh BR-VT xác định là chủ lực trong 05 năm tới. Khi các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các đối tác được triển khai, hàng hóa thông qua các cảng biển của Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 8%- 9%, trong đó khu vực cảng Cái Mép- Thị Vải sẽ tăng trưởng trên 10%/năm.
Năm 2016, mục tiêu của tỉnh là ổn định kinh tế vĩ mô, mức tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt 6,67%, tương đương với mức tăng trưởng chung của cả nước.
(nguồn Báo BRVT)