Khuyến khích lắp đặt, sử dụng điện năng lượng mặt trời.

  28/06/2019

Phát triển hệ thống điện sử dụng năng lượng mặt trời là một trong những giải pháp giảm áp lực sản xuất, truyền tải, cung cấp điện lưới Quốc gia; góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường. Do đó, Nhà nước đã và đang triển khai các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân lắp đặt và sử dụng điện năng lượng mặt trời.


Ông Trần Đức Chiêu Thành, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ năng lượng và môi trường (số 57/7 Triệu Việt Vương, phường 4, TP.Vũng Tàu) cho hay, thời gian qua, có nhiều DN, cá nhân và tổ chức đến công ty để tìm hiểu về việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái (NLMTAM). Công ty đã tư vấn cho nhiều khách hàng việc cung cấp thiết bị, lắp đặt hệ thống điện NLMTAM bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và giá/kWp (đơn vị đo công suất tấm pin năng lượng mặt trời sinh ra).


Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 252 tổ chức, cá nhân đã lắp đặt hệ thống điện NLMTAM với tổng công suất là 1.600 kWp để sử dụng cho gia đình, đơn vị. Số điện sử dụng không hết thì bán lại cho ngành điện qua công tơ điện 2 chiều, giá mua điện hiện nay với khách hàng sử dụng điện NLMTAM là 2.134 đồng/kWh (chưa có thuế VAT). Trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều dự án đang trong giai đoạn lập thủ tục đầu tư hệ thống điện NLMT như: dự án NLMT Hồ Tầm Bó (35 MWp) và dự án NLMT Hồ Gia Hoét (49 MWp) tại huyện Châu Đức, dự án NLMT 03 MWp tại huyện Côn Đảo…
Ông Phạm Văn Lý, ngụ khu phố Thanh Long, TT. Đất Đỏ cho biết, gia đình ông vừa bỏ vốn đầu tư 120 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện NLMTAM công suất 5,32kWp. “Hệ thống điện NLMTAM của gia đình tôi hàng tháng sẽ sản sinh ra hơn 638kWh/tháng, tương đương số tiền gần 1,9 triệu đồng/tháng nếu sử dụng điện lưới của ngành điện. Trước đây, khi còn sử dụng điện lưới, mỗi tháng gia đình tôi phải trả số tiền hơn 1,2 triệu đồng/tháng. Như vậy, sử dụng điện NLMTAM vừa tiết kiệm được tiền điện, vừa có dư sản lượng điện để bán lại cho ngành điện”, ông Lý phấn khởi nói.

Với mục tiêu phát triển điện NLMT, Công ty Điện lực BR-VT đang tập trung tuyên truyền chính sách của Nhà nước vế vấn đề này. Dự kiến năm 2019, sẽ tuyên truyền, tư vấn cho khách hàng lắp đặt điện NLMTAM khoảng 4,5 MWp. Công ty sẽ hoàn thiện, hướng dẫn quy trình, thủ tục đấu nối, lắp đặt công tơ 2 chiều (miễn phí). Đồng thời, tổ chức ký hợp đồng mua bán điện với từng tổ chức, cá nhân để thanh toán phần điện sử dụng không hết phát ngược trở lại lưới điện. Việc thanh toán được thực hiện hàng tháng thông qua tài khoản ngân hàng. Nếu có nhu cầu, khách hàng liên hệ tổng đài 19001006-19009000 hoặc trực tiếp với điện lực các huyện, thị xã, thành phố để được tư vấn. 

Hiện nay, điện năng được cung cấp từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu, nhiệt điện khí… khi vận hành đều có gây tác động đến môi trường (khí phát thải cao, khói bụi, tiếng ồn, phá hủy hệ sinh thái, lũ lụt…). Nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy điện cũng dần cạn kiệt, trong khi nhu cầu sử dụng điện của xã hội ngày càng cao. Do đó, việc xây dựng các chính sách khuyến khích và tuyên truyền lắp đặt, sử dụng điện NLMT đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm triển khai thực hiện. 

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở khu vực phía Nam, nơi có tiềm năng NLMT khá lớn với số giờ nắng trong năm nhiều (Tmax > 1.500 giờ/năm), cường độ năng lượng bức xạ trung bình cao (HTB ≈ 4,96 kWh/m2/ngày), đáp ứng tốt yêu cầu khai thác nguồn NLMT tại chỗ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi tự nhiên trong việc triển khai Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14/2/2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn tỉnh.

Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND, Sở Công thương đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, DN nhà nước trên địa bàn tỉnh triển khai lắp đặt hệ thống điện NLMT theo khả năng cân đối ngân sách nhà nước, các nguồn kinh phí hợp pháp khác dựa trên cơ sở nhu cầu sử dụng điện, điều kiện thực tế có thể triển khai tại cơ quan, đơn vị. Sở Công thương là đầu mối tổng hợp nhu cầu này để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cho phép đầu tư công. “Đặc biệt, đối với các dự án xây dựng mới trụ sở cơ quan, DN nhà nước, được triển khai lắp đặt hệ thống điện NLMT từ khâu khảo sát, thiết kế, dự toán đến đầu tư xây dựng. Khuyến khích các tổ chức, DN, hộ gia đình tự đầu tư lắp đặt hệ thống điện NLMT để sử dụng lâu dài, tiết kiệm chi phí tiền sử dụng điện, bán lại cho ngành điện công suất điện dư thừa để bổ sung cho điện lưới”, bà Bùi Thị Dung nói.

Bình luận
Tin tức mới