Nhịp sống tấp nập "trên bến dưới tàu" ở Phước Tỉnh
Cách trung tâm TP. Vũng Tàu chỉ hơn 10km, chạy qua cầu Cửa Lấp chính là làng chài Phước Tỉnh. Cũng giống như làng chài Phước Hải, làng chài Phước Tỉnh đã có tuổi đời hơn 300 năm. Cũng vì lẽ đó mà khi đến làng cổ này, không gì thú vị hơn là được khám phá những di tích của làng, được nghe các lão ngư kể tích xưa.
Mỗi sáng sớm, làng chài Phước Tỉnh tập nập tàu lớn, tàu nhỏ, thuyền thúng cập bến để xuống cá, tôm. Khi ghe cập cảng, phụ nữ đã chờ sẵn trên bờ hỗ trợ cánh đàn ông vận chuyển hải sản lên bờ. Nào mực, nào tôm, cua, ghẹ, cứ thế thoăn thoắt được mọi người chuyền tay đưa lên bờ. Lúc này, những chiếc xe tải đến “ăn hàng” ra vào cảng như con thoi. Lão ngư Huỳnh Văn Đảo, ấp Phước Lộc không giấu nổi niềm tự hào khi kể về làng chài trù phú bậc nhất không chỉ riêng tại BR-VT. “90% người làng chài sống bằng nghề biển, đánh bắt xa bờ, buôn bán ngư cụ, đóng tàu. Dù nghề cực nhọc nhưng mỗi chuyến biển về, tôm cá đầy ắp tàu thuyền, chúng tôi lại thấy vui và gắn bó với nghề nhiều hơn”, ông Huỳnh Văn Đảo nói.
Phước Tỉnh là một trong những làng cá lớn nhất và giàu có trong số các làng cá ở Nam bộ. Số lượng tàu thuyền lúc nào cũng trên 1.000 chiếc, trong đó có 966 tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác hàng năm của Phước Tỉnh đạt khoảng 80.000 tấn hải sản các loại. Con số thống kê của UBND xã Phước Tỉnh cũng thêm một lần nữa khẳng định, mức thu nhập của người dân nơi đây vượt xa so với các địa phương khác với 2.500 USD/năm.
Không chỉ có nghề đánh bắt, Phước Tỉnh còn làm giàu từ nghề đóng tàu. Phước Tỉnh có 5 ụ đóng tàu, thu hút hàng trăm thợ lành nghề và rất nhiều lao động địa phương làm việc. Hàng năm, Phước Tỉnh cho hạ thủy hơn 40 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Ngoài khả năng đóng mới, Phước Tỉnh cũng là nơi rất có uy tín trong việc sửa chữa, đại tu tàu biển. Nhiều chủ tàu ở các tỉnh xa như Quảng Ngãi, Phú Yên, Kiên Giang… thường đem tàu đến đây để sửa chữa.
Lần theo sử cũ, sách Đại Nam nhất thống chí ghi rằng, Phước Tỉnh là làng cá hình thành từ rất sớm, nằm phía Đông Cửa Lấp, thuận lợi cho tàu ghe đánh cá ra vào và đỗ nghỉ. Trước năm Minh Mạng thứ 18 (1837), Phước Tỉnh có tên gọi là làng Giếng Bộng (thời Nguyễn Cửa Lấp được gọi là hải tấn Giếng Bộng). Dân gian lưu truyền trong quá trình bôn tẩu đánh nhau với quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã cho đào phía Đông Cửa Lấp một cái giếng, chu vi chừng 10 thước, sâu độ 12 thước, nước rất ngọt. Dân địa phương gọi là giếng ngự hay “giếng bộng”. Từ đầu thế kỷ 19, Phước Tỉnh đã là một xã trù phú của tổng An Phú Thượng (huyện Phước An bấy giờ chỉ có 6 xã). Tài liệu của người Pháp cho biết năm 1900, Phước Tỉnh có 1.628 người dân. Năm 1970, Phước Tỉnh có 11.527 người.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, làng biển Phước Tỉnh không ngừng phát triển và ghi dấu sự quần tụ sinh sống ngày càng đông đúc của các dòng họ lâu đời, đều có truyền thống bám trụ mưu sinh nơi biển cả. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng ghi rằng: Từ thời Gia Long (1802-1820), người ta đã dựng Đàn Kỳ Phong ở Phước Tỉnh để thờ các vị hải thần. Đàn Kỳ Phong ở xã Phước Tỉnh được xây dựng từ thời Gia Long, thờ các vị hải thần, trong đó có Điện Mẫu, Long Nữ, Diễn Bà, hàng năm tế vào đầu mùa xuân và mùa thu. Các lão ngư ở Phước Tỉnh kể rằng, đến tận bây giờ, những người dân làng chài vẫn luôn tâm niệm “còn sức còn đi biển”.
Bởi vậy mà hơn 300 năm nay, nhịp sống ở làng biển này chưa bao giờ ngưng nghỉ. Cứ mỗi khi các ngư phủ kết thúc một hải trình đánh bắt ngoài khơi xa với những đêm dài lênh đênh đối mặt với sóng gió để kiếm tìm “lộc biển”, tại các bến cá, từ tờ mờ sáng, những người phụ nữ đã hối hả ra đón chồng, con trở về. Thương lái chuyên thu gom đồ hải sản cũng tập trung ở đây từ rất sớm với mục đích mua cho được những mẻ tôm, cua, cá còn tươi rói để kịp đưa về bán khắp nơi trong thành phố.