Xây dựng hầm biogas: Người chăn nuôi còn thờ ơ

  04/06/2019

Hầm biogas là công trình hữu ích để thu gom chất thải từ hoạt động chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tận dụng khí sinh học để phục vụ hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi chưa thật sự quan tâm đến việc đầu tư xây dựng và vận hành công trình này. 

Theo phân tích của các chuyên gia môi trường, chất thải từ chăn nuôi khi được cho vào hầm biogas sẽ bị biến đổi và một phần được chuyển hóa thành khí biogas (dùng để chuyển thành nhiệt năng, điện năng phục vụ sinh hoạt). Phần còn lại là nước thải và các chất cặn bã có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác, trong đó có phân bón, giúp nông dân giảm bớt việc sử dụng phân hóa học, qua đó giảm sự thoái hóa của đất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi. 

Trang trại của ông Nguyễn Trung (tổ 21, ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) nuôi khoảng 600 con heo. Sau khi được cơ quan chức năng tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, ông Trung quyết định đầu tư 50 triệu đồng xây dựng một hầm biogas dung tích 150m3 và 1 hầm nén dung tích 25m3. Với hệ thống hầm biogas này, việc xử lý chất thải của heo trở nên dễ dàng hơn, bảo đảm vệ sinh môi trường; đồng thời ông Trung còn tận dụng được lượng khí sinh học từ hầm biogas để chạy máy trộn cám, máy bơm nước, thắp sáng... Nhờ đó, mỗi tháng, ông Trung tiết kiệm khoảng 3 triệu đồng tiền điện.  

Theo thống kê của Sở TN-MT, hiện nay toàn tỉnh có hơn 1.160 cơ sở chăn nuôi heo quy mô từ 50 con trở lên và khoảng 10.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tổng lượng nước thải phát sinh từ các cơ sở chăn nuôi ước khoảng 2.646m3/ngày, trong đó qua hệ thống biogas, hệ thống xử lý khoảng 1.609m3/ngày; chưa xử lý (chủ yếu sử dụng các ao chứa, lắng lọc sơ bộ) khoảng 1.037m3/ngày. Tuy nhiên, mới có hơn 60% hộ chăn nuôi đầu tư hệ thống biogas đạt chuẩn. Nhiều hộ chăn nuôi đã đầu tư hầm biogas nhưng chưa quan tâm đến việc xử lý chất thải, dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, qua quá trình thanh tra, kiểm tra cho thấy, ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của nhiều cơ sở chăn nuôi chưa cao. Nhiều cơ sở đã được hướng dẫn, nhắc nhở và xử phạt nhiều lần nhưng chậm khắc phục vi phạm, đặc biệt là việc thu gom, xử lý nước thải tại hầm biogas. Nguyên nhân là do những năm qua việc xử lý các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường chưa thật sự quyết liệt. Hơn nữa, phần lớn các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư đều làm tự phát, trong khi theo quy định, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (có mức xả thải từ 2-3m3/ngày) thì không phải đầu tư hầm biogas… nên một số địa phương chưa mạnh tay xử lý các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm. Đây cũng nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đầu tư hầm biogas dù chi phí đầu tư hầm không cao, chỉ khoảng 8-20 triệu đồng/hầm.

Ông Phạm Quý Nhân, Phó Trưởng Phòng TN-MT huyện Châu Đức cho biết, giải pháp đầu tư hầm biogas là phương án xử lý chất thải trong chăn nuôi ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Châu Đức hiện có 4.310 hộ chăn nuôi heo quy mô dưới 200 con nhưng mới chỉ có 2.082 hộ xây dựng hầm biogas (chiếm 48,31%), số hộ chưa xây dựng hầm biogas là 2.228 hộ (51.69%). Điều đáng nói, nhiều hộ đã đầu tư hầm biogas nhưng chưa đạt chuẩn như: công suất xả thải thực tế lớn hơn công suất tiếp nhận của hầm; có đầu tư nhưng hầm biogas bị hư hỏng; đầu tư hầm biogas nhưng không tận dụng được lợi ích của hầm biogas. “Huyện Châu Đức đang tập trung công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khẩn trương xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Hộ nào không chấp hành, chúng tôi sẽ buộc chấm dứt hoạt động chăn nuôi để tiến tới việc sắp xếp vùng chăn nuôi tập trung của huyện”, ông Nhân khẳng định
.

Bình luận
Tin tức mới