Hành động nhỏ vì môi trường xanh

  22/09/2019

“NGẠT THỞ” VÌ RÁC THẢI NHỰA

Theo Sở TN-MT, trong số 800 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh, rác thải nhựa và túi ni lông chiếm từ 7-8%. Đáng báo động là ở các địa phương vùng ven biển như Phước Thuận, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); Long Hải, Phước Tỉnh (huyện Long Điền); Phước Hải (huyện Đất Đỏ); phường 5, 12, phường Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu)… lượng rác thải nhựa thải ra biển ngày càng nhiều.

Hơn 20 năm qua, kênh Bến Đình (TP. Vũng Tàu) luôn nằm trong danh sách “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường do rác thải. Rác trôi lềnh bềnh trên kênh, rác dạt vào những góc kẹt của kênh Bến Đình, nhiều nhất là túi ni lông, can nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp.

Phía trước mui của chiếc tàu đánh cá gần bờ công suất 63CV, vợ chồng anh Võ Văn Chiến và chị Trần Thị Mười đang ngồi vá lưới. Anh Chiến cho biết, gia đình anh có 4 người, mọi việc ăn uống, tắm rửa, nấu nướng sinh hoạt đều diễn ra trên chiếc ghe này. Qua quan sát, trên ghe không có nhà vệ sinh; toàn bộ lượng rác thải phát sinh hàng ngày của gia đình anh Chiến đều thải trực tiếp xuống kênh. Những năm gần đây TP. Vũng Tàu đã đẩy mạnh tuyên truyền và tặng thùng đựng rác cho ngư dân có ghe cập cảng Bến Đình để giúp họ thay đổi nhận thức, không xả rác ra kênh nhưng mỗi ngày kênh Bến Đình vẫn đang phải hứng chịu khoảng 5-6 tấn rác thải và chủ yếu là rác thải nhựa.


Lãnh đạo TP. Vũng Tàu tặng thùng rác cho ngư dân trên kênh Bến Đình và phát thư ngỏ tuyên truyền cho người dân bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác đặc biệt là rác thải nhựa xuống kênh.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trăn trở: “Môi trường tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu. Một số khu vực ven biển trong đó có BR-VT bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Đây chính là sức ép lớn lên môi trường, hệ sinh thái và tài nguyên nước ta”.Tại huyện Côn Đảo, cứ vào mùa gió chướng (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau), nhiều bãi biển trở thành bãi rác với hàng tấn rác thải từ đại dương dạt về với khối lượng khoảng 900m3/năm. Theo ông Phạm Bảo Ân, Trưởng Phòng TN-MT huyện Côn Đảo, rác thải ở đây chủ yếu là rác khó phân hủy như can nhựa, ly nhựa, túi ni lông. Tại các hòn đảo nhỏ, rác tập trung vào mùa gió chướng. Riêng ở hòn Bảy Cạnh, đến mùa gió chướng, rác dạt vào bãi Bờ Đập, rồi từ tháng 4 đến tháng 9 năm sau (gió Tây Nam) lại tấp vào bãi Cát Lớn. Ngoài ra, nhiều bãi biển ở Côn Đảo ngập rác bởi theo dòng nước, rác từ các nơi tập trung hết về nơi đây.

VIỆC LÀM NHỎ, Ý NGHĨA LỚN

Hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019”, Bộ TN-MT đã lựa chọn chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, trong đó tập trung chính vào vấn đề giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa. Đây là nội dung thiết thực, cấp bách trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa. Tại BR-VT, đã có rất nhiều trường học, cơ quan, công sở hưởng ứng chiến dịch “Nói không với rác thải nhựa” bằng việc cắt giảm các đồ nhựa dùng một lần để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.


Các em HS Trường THCS Võ Văn Kiệt mang theo bình nước bằng inox, bình giữ nhiệt đến trường thay cho nước đóng chai.

Đi đầu trong phong trào nói không với rác thải nhựa, từ đầu tháng 3/2019, Văn phòng Tỉnh ủy đã thay thế các chai nước uống có vỏ nhựa dùng một lần bằng chai có vỏ sử dụng được nhiều lần, để đựng nước phục vụ các cuộc họp. Mỗi chai nước đều gắn logo mang thông điệp bảo vệ môi trường. Cán bộ, nhân viên của Văn phòng được khuyến khích sử dụng chai nước này, thay cho nước uống đóng chai nhựa.Trường THCS Võ Văn Kiệt (TP. Vũng Tàu) là một trong số các trường học đã thực hiện nghiêm túc với việc nói không với rác thải nhựa. Thầy Lương Quang Toàn, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Kiệt cho biết: “Trường có 19 lớp với 654 HS. Khi nhận được công văn của Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu về việc nói không với rác thải nhựa trong trường học, ngay từ đầu năm học 2019-2020, trường đã triển khai đến toàn trường từ GV đến các em HS. Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, trường đều có các buổi nói chuyện về tác hại của rác thải nhựa và khuyến khích các em sử dụng các đồ dùng có thể tái sử dụng nhiều lần để bảo vệ môi trường. Đến nay 100% HS và GV của trường nghiêm túc thực hiện”.

Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm. Chiến dịch đã trở thành một trong những sự kiện môi trường quốc tế thường niên, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia trên thế giới. Chiến dịch là dịp quy tụ các DN, nhóm cộng đồng, trường học, cá nhân và các quốc gia trên toàn cầu cùng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý, tái chế chất thải, phổ biến, tuyên truyền cho cộng đồng…

Phong trào nói không với rác thải nhựa sử dụng một lần hiện không chỉ lan tỏa tại Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh mà đã và đang lan tỏa tại khắp các huyện, thị xã, thành phố, trong các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. “Việc nói không với đồ nhựa dùng một lần được xem là giải pháp tích cực, không chỉ tiết kiệm kinh phí mà còn góp phần loại dần rác thải nhựa không cần thiết khỏi cuộc sống của chúng ta để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Chúng tôi mong muốn đây không chỉ là phong trào mang tính hình thức, mà sẽ đi vào nhận thức và hành động của tất cả mọi người”, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT khẳng định.

Bình luận
Tin tức mới